1. Về thủ tục ghi vào Sổ việc ly hôn, hủy việc kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài (ghi chú ly hôn)
1.1. Về phạm vi, đối tượng thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì“Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vảo Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài. Trường hợp đã nhiều lần ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trái pháp luật thì chỉ làm thủ tục ghi chú ly hôn gần nhất”.
Như vậy, đối tượng thực hiện việc ghi chú ly hôn theo quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP chỉ làcông dân về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.Do đó, các trường hợp khác (bao gồm người nước ngoài; người Việt Nam đã được thôi quốc tịch Việt Nam; công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài về Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mà chỉ sử dụng các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, không có giấy tờ nào do cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện có quốc tịch Việt Nam) thì không thuộc diện thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn, nếu có yêu cầu ghi chú ly hôn thì không giải quyết do không có cơ sở pháp lý.
1.2. Về thẩm quyền giải quyết việc ghi chú ly hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, đối với trường hợp việc kết hôn hoặc ghi chú kết hôn trước đây thực hiện tại Sở Tư pháp thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện. “Nơi cú trú” trong quy định này được hiểu là nơi cư trú của người yêu cầu (công dân Việt Nam) tại thời điểm đề nghị ghi chú ly hôn.
Trường hợp công dân Việt nam định cư tại nước ngoài mà không có nơi cư trú (tạm trú) tại Việt Nam mà việc kết hôn hoặc ghi chú kết hôn trước đây được thực hiện tại Sở Tư pháp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh của người yêu cầu (công dân Việt Nam) thực hiện ghi chú ly hôn; trường hợp không xác định được nơi cư trú trước khi xuất cảnh thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký kết hôn mới thực hiện ghi chú ly hôn.
Trường hợp công dân Việt Nam chung sống với người khác như vợ chồng không đăng ký kết hôn, sau đó cư trú ở nước ngoài, đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết ly hôn hoặc hủy việc kết hôn, nay người đó có yêu cầu ghi chú ly hôn để kết hôn để kết hôn mới thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký kết hôn mới có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ghi chú ly hôn.
2. Về việc đăng ký lại khai sinh cho cán bộ, công chức là đảng viên
Đề nghị phòng Tư pháp cấp huyện hướng dẫn Tư pháp cấp xã thực hiện nội dung này như sau:
Theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì cá nhân có quyền đăng ký lại khai sinh khi có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định của pháp luật. Do đó, trường hợp cán bộ, công chức là đảng viên có yêu cầu đăng ký lại khai sinh (cho bản thân) thì cơ quan có thẩm quyền chỉ tiếp nhận, giải quyết nếu có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định pháp luật Hộ tịch và phù hợp với nội dung Thông báo Kết luận của Ban Bí thư số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban chấp hành Trung ương về việc xác định tuổi của đảng viên.
3. Về thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Thái Lan, Trung Quốc (Đài Loan)
Trên cơ sở thông báo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cung cấp thông tin mới liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn với công dân Thái Lan, Trung Quốc (Đài Loan) như sau:
3.1. Về thủ tục đăng ký kết hôn với công dân Thái Lan
Các cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan sẽ thắt chặt thủ tục nhằm phát hiện và phòng ngừa việc sử dụng các giấy tờ giả để đăng ký kết hôn. Theo đó, công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với công dân Thái Lan tại cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải có địa chỉ cư trú dài hạn tại Thái Lan (những người đi du lịch hoặc không có giấy tờ chứng minh nơi cư trú tại Thái Lan sẽ không được giải quyết);
- Có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và các giấy tờ liên quan kèm theo; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cấp phải ghi rõ địa chỉ cư trú dài hạn của công dân Việt Nam tại Thái Lan;
- Có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Dân sự và Luật Thương mại Thái Lan;
- Có xác nhận chi tiết về nghề nghiệp, thu nhập; trường hợp công dân Việt Nam đã từng kết hôn thì phải nêu rõ những người mà người này có trách nhiệm phải nuôi dưỡng;
- Có đầy đủ thông tin về 2 công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam đứng ra bảo lãnh về tình trạng hôn nhân (tên, số điện thoại và địa chỉ) của người dự định kết hôn với công dân Thái Lan.
3.2. Về thủ tục đăng ký kết hôn với người Trung Quốc (Đài Loan)
Đối với thủ tục đăng ký kết hôn với người Trung Quốc (Đài Loan), công dân Việt Nam khi có nhu cầu cần lưu ý:
- Nếu người Trung Quốc (Đài Loan) kết hôn với người nước ngoài ở nước ngoài thì hôn nhân đó phải phù hợp với quy định của pháp luật Trung Quốc (Đài Loan) và pháp luật nước ngoài, phương thức kết hôn phải phù hợp với pháp luật nước sở tại của một trong hai bên kết hôn hoặc phù hợp với pháp luật nơi cử hành hôn lễ, thì cuộc hôn nhân đó mới có hiệu lực pháp luật.
- Điều kiện kết hôn đối với người Trung Quốc (Đài Loan) là:
+ Về độ tuổi: Nam 18 tuổi, nữ 16 tuổi; người đạt đến tuổi kết hôn nhưng chư thành niên (nam 18 tuổi nhưng chưa đủ 20 tuổi, nữ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 20 tuổi) thì kết hôn phải có sự đồng ý của người giám hộ.
+ Không được kết hôn trong họ gần, không được kết hôn trong họ kép.
- Trường hợp công dân Việt Nam chưa được Cục Di dân Trung Quốc (Đài Loan) cấp Thẻ cư trú vĩnh viễn thì việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Trung Quốc (Đài Loan) phải được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau đó đem Giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp tới Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để xin phỏng vấn và xin xác nhận vào Giấy chứng nhận kết hôn, sau khi kết quả phỏng vấn đạt yêu cầu, một hoặc hai bên đương sự trực tiếp đem Giấy chứng nhận kết hôn kèm theo bản dịch đã được xác nhận, công chứng tới Cơ quan hộ tịch tại Trung Quốc (Đài Loan) để đăng ký kết hôn thì cuộc hôn nhân đó mới có hiệu lực.
- Các giấy tờ công dân Việt Nam và người Trung Quốc (Đài Loan) phải xuất trình (bản gốc) khi đăng ký kết hôn tại cơ quan hộ tịch tại Trung Quốc (Đài Loan) gồm:
+ Giấy tờ chứng minh nhân thân (Chứng minh thư đối với người Trung Quốc (Đài Loan); Hộ chiếu, Thẻ cư trú và visa nhập cảnh đối với công dân Việt Nam);
+ Giấy lấy tên tiếng Trung Quốc (nếu công dân Việt Nam đích thân đến cơ quan hộ tịch điền mẫu đơn thì không cần qua xác nhận của Văn phòng đại điện của Bộ ngoại giáo Trung Quốc (Đài Loan) tại nước ngoài);
+ Sổ hộ khẩu của người Trung Quốc (Đài Loan);
+ 01 ảnh của công dân Đài Loan (chụp 02 năm gần đây theo mẫu quy định tại trang Web:www.ris.gov.tw);
+ Dấu cá nhân (có thể ký tên)./.