Phát triển nguồn nhân lực số - then chốt để chuyển đổi số thành công
Nhân lực số là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo; có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và sự biến đổi của khoa học công nghệ. Nhân lực số giữ vị trí then chốt để thực hiện chuyển đổi số thành công.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng này đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh, một trong 6 mục tiêu chính của ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới.
Với mục đích tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chuyển đổi số, xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tập đoàn để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó có giải pháp về cơ chế tài chính như ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.
Thực trạng nhân lực số và những con số thực tế tại Bắc Kạn
Phát triển nhân lực số là một trong những ưu tiên của Bắc Kạn
để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) từ tỉnh đến cơ sở.
Theo số liệu thống kê, số lượng công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Kạn là 900 người (chiếm tỷ lệ 8,4% trên tổng số công chức, viên chức toàn tỉnh).
Trong đó số lượng công chức, viên chức chuyên trách là 60 người (Thạc sỹ chuyên ngành công nghệ thông tin 05/60 người, chiếm tỷ lệ 08%; đại học ngành công nghệ thông tin 49/60 người, đạt tỷ lệ 82%; chuyên ngành khác 06/60 người, chiếm tỷ lệ 10%).
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm là 840 người (bao gồm thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương). Số lượng công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về an toàn thông tin mạng là 158 người (đạt tỷ lệ 1,48% trên tổng số công chức, viên chức toàn tỉnh).
Tỉnh đã xây dựng mạng lưới CĐS rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với đội ngũ thành viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng trở thành nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu CĐS . Tỉnh đã thành lập 108 tổ công nghệ số cộng đồng tại xã, phường, thị trấn với 1.014 thành viên tham gia, đạt tỷ lệ 100%; 1.292 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. Trong đó, lực lượng chủ chốt là đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội LHPN, Hội Nông dân…
Từ năm 2016, tỉnh đã thành lập đội ứng cứu sự cố mạng và máy tính tỉnh, đến năm 2024 đã kiện toàn, đổi tên thành đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng và tổ chức đội theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện tại, đội có 40 thành viên (100% thành viên có trình độ chuyên môn Đại học trở lên chuyên ngành công nghệ thông tin).
Chỉ tính riêng năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức lớp đào tạo chuyển đổi nhận thức về CĐS cho hơn 5620 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; đào tạo cho, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; diễn tập an toàn thông tin phục vụ CĐS cho cán bộ phụ trách kỹ thuật liên quan đến CĐS tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát của Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực về CNTT của tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, trình độ năng lực không đều, chủ yếu tập trung ở những đơn vị chuyên trách CNTT của tỉnh và các sở, ngành. Nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Một số đơn vị, địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thiếu nhân lực về an toàn thông tin. Hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa cao. Nguyên nhân là do công chức, viên chức thực hiện công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đảm bảo; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn ít.
Hơn nữa, từ năm 2020 đến nay, đã có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin xin chuyển ngành hoặc sang khu vực doanh nghiệp. Do đó, nguồn nhân lực vốn đã thiếu, theo thời gian lại càng thiếu hụt, đặc biệt là thiếu nhân lực công nghệ thông tin chuyên môn sâu, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, mặc dù các cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đúng về CNTT có thể đảm đương được cơ bản các nhiệm vụ, chức năng theo quy định, song, đối với những nhiệm vụ có tính chuyên môn sâu như an toàn thông tin thì việc thiếu hụt, khó khăn trong việc đảm đương vì tính chất phức tạp chuyên sâu của lĩnh vực này.
Để giải bài toán nhân lực CNTT, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, CB-CC-VC; cử cán bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu phù hợp với chuẩn trong nước và quốc tế về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin; xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng cường, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn cao về CNTT, an toàn thông tin phục vụ CĐS của tỉnh; quy định về chức danh, tiêu chuẩn đối với cán bộ chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước…/.