Theo đánh giá xếp loại Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của UBND tỉnh Bắc Kạn, năm 2021 Sở Tư pháp đạt 89,61/100 điểm (xếp thứ 3 trong nhóm các Sở, ban, ngành cấp tỉnh), so với năm 2020 đã tăng 5 bậc.
Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 9,5 điểm, điều tra xã hội học đạt 3,74 điểm; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đạt 7 điểm, điều tra xã hội học đạt 3,46 điểm; Cải cách thủ tục hành chính đạt 15 điểm, điều tra xã hội học đạt 4,57 điểm; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 5 điểm, điều tra xã hội học đạt 1,35 điểm; Cải cách chế độ công vụ đạt 7 điểm, điều tra xã hội học đạt 3,78 điểm; Cải cách tài chính công đạt 7,2 điểm, điều tra xã hội học đạt 0,98 điểm; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử đạt 17,5 điểm, điều tra xã hội học đạt 3,53 điểm. Để có được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của cả tập thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp; sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.
Tăng cường công tác chỉ đạo, sát sao trong tổ chức thực hiện
Theo đó, ngay từ đầu năm, căn cứ Kế hoạch CCHC của tỉnh và đánh giá những tồn tại, hạn chế được chỉ ra năm 2020, đơn vị đã kịp thời xây dựng các kế hoạch về CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính với các nhiệm vụ cụ thể và sát sao chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân trong sử dụng các dịch vụ công, thiết yếu, cơ bản của Ngành tư pháp về trợ giúp pháp lý, công chứng, đấu giá tài sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp, gắn với chuyển đổi số thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đặc biệt nổi bật ở những nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cải cách thể chế, với quan điểm gắn công tác xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật và khâu đầu tiên là phổ biến giáo dục pháp luật
Theo đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát và tham mưu UBND tỉnh bãi bỏ, ban hành văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tư pháp, đảm bảo đồng bộ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn (như: tham mưu UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 2114/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 7/7/2021 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 10/05/2021 ban hành Quy chế hoạt động của Cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 về ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn).
Đối với nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đã xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi năm 2021 là đấu giá tài sản, rà soát văn bản QPPL trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, ngay từ đầu năm đã tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện các hoạt động về theo dõi, như: hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát thu thập thông tin; phổ biến, tập huấn nghiệp vụ về đấu giá để nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác đấu giá tài sản… sau hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đã kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu giá như: pháp luật về đất đai, xử phạt vi phạm hành chính, tín dụng, dân sự, thi hành án…
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, giai đoạn 2018-2022 theo Quyết định 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phương thức với quan điểm tạo ra nhiều kênh thông tin để mọi người dân, cơ quan, tổ chức tiếp cận kịp thời, nhanh chóng như: thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi, tờ gấp, Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Kạn, Fanpage Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Kạn… Nội dung phổ biến là các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua năm 2020, 2021, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nguòi dân, tổ chức, những vấn đề nóng được dư luận quan tâm…
Cải cách thủ tục hành chính gắn với sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19
Theo thống kê, số thủ tục hành chính do Sở Tư pháp thực hiện là 132, trong các lĩnh vực về đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cấp phiếu lý lịch tư pháp, công chứng, trợ giúp pháp lý, đấu giá tài sản …Các thủ tục hành chính này đều được xác định là dịch vụ công thiết yếu, cơ bản, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Theo đó, việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng là yêu cầu đặt ra với Ngành tư pháp.
Do đó, ngay từ đầu năm đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung, thay thế danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đảm bảo kịp thời và đúng quy định; kiến nghị phương án đơn giản hóa 4 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công chứng và tư vấn pháp luật; được UBND tỉnh công nhận 01 sáng kiến trong CCHC “Đổi mới việc đánh giá giải quyết TTHC của công dân thông qua hình thức trực tuyến bằng mã QR-code” với phương châm nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 80%. Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được triển khai trên toàn tỉnh với 246 hồ sơ thực hiện tại 48/108 đơn vị cấp xã (đạt 44,4% vượt chỉ tiêu tỉnh giao). Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tiếp tục được duy trì, áp dụng và cải tiến vào công việc chuyên môn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của cơ quan.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 01 Văn phòng công chứng và 3 Phòng công chứng); 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; Trung tâm trợ giúp pháp lý và 5 chi nhánh Trợ giúp pháp lý tại các huyện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch covid-19, nhưng với tinh thần trách nhiệm các đơn vị đã có nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt trong tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu công chứng, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý; đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, cơ quan, tổ chức trong phòng ngừa rủi ro pháp lý; minh bạch, công khai và tăng giá trị tài sản thông qua hoạt động đấu giá tài sản … trong bối cảnh hiện nay các giao dịch về dân sự, kinh tế ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường. Theo đó, các yêu cầu về công chứng, tiếp nhận và đấu giá tài sản đấu giá đều được giải quyết kịp thời, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về pháp lý, không đặt ra các yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho người dân, tổ chức…
Với những kết quả đạt được của Sở Tư pháp về CCHC năm 2021, đã góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong đề nghị cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, cơ bản của Ngành tư pháp./.