Công văn số: 452 STP – HCTP Bắc Kạn, ngày 08 tháng 5 năm 2013 V/v hướng dẫn cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
( Cập nhật lúc:
24/09/2013
)
Để đảm bảo việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định của pháp luật, Sở Tư pháp hướng dẫn một số nội dung sau:
1. Về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
a. Trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài: Thẩm quyền và thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định 24/2013/NĐ-CP.
Ví dụ: Trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho 01 trường hợp cụ thể như sau:
Bà Triệu Thị Mùi, thường trú tại xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn có nhu cầu xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sang Hàn Quốc tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc thì thủ tục như sau:
- Bà Triệu Thị Mùi trực tiếp đến UBND xã Nông Thượng nộp 01 hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định);
+ Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân như Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế;
+ Bản sao sổ hộ khẩu.
(Giả sử bà Triệu Thị Mùi đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật ViệtNam).
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và hợp phí, UBND xã Nông Thượng gửi văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của UBND xã Nông Thượng, Sở Tư pháp thực hiện thẩm tra, xác minh và có văn bản trả lời kèm trả hồ sơ; nếu từ chối giải quyết, Sở Tư pháp giải thích rõ lý do bằng văn bản.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý của Sở Tư pháp, chủ tịch UBND xã Nông Thượng ký Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và cấp cho bà Triệu Thị Mùi.
b. Đối với cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn trong nước và cấp Giấy xác nhận tình trạng cho công dân Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam: vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số: 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Thông tư số: 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; Nghị định số: 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; Thông tư số: 08.a/2010/TT-BTP về ban hành và hướng dẫn ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch.
2. Cách ghi trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp UBND cấp xã khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đương sự với mục đích để đăng ký kết hôn không đảm bảo theo đúng quy định như: tại mục tình trạng hôn nhân, mục đích của việc yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ghi rất chung chung; ghi thời gian vào mục: “trong thời gian cư trú tại………….từ ngày………tháng…….năm……đến ngày……..tháng……năm…….” …
Để đảm bảo việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được chính xác và đầy đủ, tránh trường hợp người dân sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để trục lợi, vi phạm pháp luật. Đề nghị khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân UBND cấp xã phải ghi rõ rang, đầy đủ về tình trạng hôn nhân và mục đích của việc yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo đúng quy định tại Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP về ban hành và hướng dẫn ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch. Đối với phần ghi “Trong thời gian cư trú tại…………từ ngày……tháng……..năm……..đến ngày……..tháng…….năm……” thì để trống.
3. Về các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch.
Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định về các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch. Theo đó, các giấy tờ như Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ hộ khẩu, Sổ đăng ký tạm trú, Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú đương sự chỉ phải xuất trình khi trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch; còn trong trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính (không nộp trực tiếp) thì phải nộp bản sao có chứng thực của các giấy tờ này.
Trên cơ sở hướng dẫn tại văn bản này đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến Tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để tổ chức thực hiện có hiệu quả./.